Trang chủ / Văn Học Trong Nước
va khi tro bui
 

Và khi tro bụi

Tác giả:Đoàn Minh Phượng

"Và khi tro bụi" không phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám, với những tình tiết giật gân, với những “hiện trường được sắp xếp”, với những trí thông minh tinh nhậy, mà trái lại, những đau buồn và dự cảm đã loại bỏ cái háo hức được tìm ra sự thật.

Cuốn tiểu thuyết mà ngay những dòng đầu, tác giả đã dự báo (và sắp xếp) về cái chết cho nhân vật chính của mình, nhưng rốt cuộc cái chết của nhân vật lại chuội ra ngoài dự định của nhà văn.

Hẳn người đọc sẽ cho rằng đó là chuyện tầm phờ tầm phào, bởi cuối cùng vẫn chỉ là một cái chết, một dấu chấm hết dẫu rất đậm nhưng chẳng để làm gì cho một cuộc đời đã nhợt nhạt. Nhưng cát bụi tàn tro đôi lúc bay lên để không phải trở về với cát bụi tàn tro, có những con người sợ trở về với đất bởi họ đã mồ côi cho đến tận lúc chết.

Rằng họ không biết thế giới bên kia có bớt cô đơn hay không, nên họ vẫn sống (dẫu sống chỉ như kéo dài những tháng ngày chưa chết mà thôi). "Và khi tro bụi" nơi kết thúc của một cuộc đời (trong vô số cuộc đời) lại là nơi bắt đầu cho một cuốn tiểu thuyết mãi mãi còn dang dở.

Sống là gì? Chết là gì? Tôi không biết hoặc tôi không hiểu hết? Nhân vật An (hay Anita) của Đoàn Minh Phượng cứ láy đi láy lại những câu hỏi trừu tượng như thế, và cuối cùng như mọi bi kịch dan díu giữa câu hỏi và câu trả lời, chỉ có câu hỏi là ở lại.

Một cô gái không thể khóc trong đám tang của người chồng (với một cái chết đột ngột) lại có thể “tất cả chực vỡ ra” khi cô nhìn thấy một người có vóc dáng giống chồng mình ở một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi toa tầu lắc mạnh đủ để cô nhận ra đó không phải là phòng ngủ của mình.

Một cô gái định dành ba tháng cuối cùng của cuộc đời trên những chuyến tàu không biết ga đi và đến, lại có thể hoãn lại “hai năm chưa chết vội” để đi tìm hiểu bí mật của một tấm bi kịch gia đình mà cô vô tình đọc được trên một cuốn sổ tay...

"Và khi tro bụi" không phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám, với những tình tiết giật gân, với những “hiện trường được sắp xếp”, với những trí thông minh tinh nhậy, mà trái lại, những đau buồn và dự cảm đã loại bỏ cái háo hức được tìm ra sự thật.

Ở đó người ta không chờ đợi một câu trả lời rằng tại sao mọi chuyện lại trở nên tồi tệ đến vậy. Nó chỉ làm tấy lên trong lòng người đi tìm câu trả lời câu hỏi: đã bao giờ bạn đã từng nghĩ và hành động như họ chưa?

Một người chồng giết vợ, đứa con trai năm tuổi bỏ nhà ra đi, người anh trai sau một thời gian tìm em, có những lúc hy vọng để rồi vô vọng, đã né tránh nỗi đau đớn bằng cách lãng quên. Một câu chuyện qua lời kể của ba nhân vật (có những tình tiết do họ tưởng tượng ra để nhốt mình vào đó) không chủ đích làm sáng tỏ những sự kiện mà chỉ làm sáng tỏ những trạng thái cảm xúc, cái trực cảm mà họ đón nhận.

Rốt cuộc, họ vẫn chỉ là những con người cô đơn trong nỗi cô đơn của mình, hoang vu trong cái thế giới hoang vu của mình.

An - trong lúc xâm nhập vào cuộc đời của những người hoàn toàn xa lạ, cô đã nhận thấy một phần cuộc đời mình ở đó, phần kí ức mà cô không đủ dũng cảm để đối mặt với nó. Ký ức về người mẹ với giọng nói âm vang trong làn đại bác, ký ức về cô em gái trong tiếng gọi dịu dàng mà da diết (người mà cô đã quay lưng bỏ chạy, không ngoái lại suốt 25 năm), kí ức về một người cha nuôi đã không còn tin vào Chúa...

Nó ào ạt trở về trong một bản đàn, ở chính khoảng thinh lặng của nó, nơi những “thanh âm đã bất lực như lời”, trên những dòng “phụ chú” không bao giờ thành nhạc: “Tôi không có kỉ niệm, chữ viết, hình ảnh, ước mơ. Chiều sâu và nỗi buồn là những khoảnh khắc ở giữa những nốt nhạc chứ không phải là của một kỷ niệm nào đó mà tôi đang nhớ tới”.

Anita hiểu rằng con người đã quá thông minh để tạo ra bi kịch cho chính cuộc đời mình: Bởi vì trong cái khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương, trí óc tôi đã chọn xóa đi cái khoảnh khắc ấy ngay khi nó đang xảy ra, đã chọn không nhận ra tiếng đứa em mình đã trông giữ mỗi ngày.

Thay vì viết cho ai đó những lời nhắn, chúng ta đã không dành thời gian để lắng nghe họ như lắng nghe tiếng vọng từ chính trái tim mình. Sự trống rỗng bắt đầu ở chính nơi chúng ta cơ hồ tưởng như đã ngập đầy cảm xúc, khi chúng ta bắt đầu vẽ những đường viền bao quanh mình như sửa soạn trước một nơi an nghỉ, một chốn thiên đường buồn tẻ.

"Và khi tro bụi" là cuốn tiểu thuyết cho những người đang còn hoang mang không biết “ngày mai mình sẽ làm gì và cả những ngày mai sau đó”.

Tải về

http://www.mediafire.com/?qtzngzg3qzm

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc